Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng bởi những câu chuyện văn hóa đặc sắc mà còn là điểm hẹn tâm linh không người Sài Gòn nào không biết.
Trên dải đất hình chữ S thân yêu này có biết bao điểm đến tâm linh gắn với những câu chuyện lịch sử và văn hóa đặc trưng của từng tỉnh thành. Ở đó, những tích xưa, những truyền thuyết cứ thế thấm dần vào trời đất, cùng với những lời cầu nguyện của người dân khiến nơi ấy trở nên ngày càng linh thiêng.
Trong trái tim của thành phố mang tên Bác, một cổ tự hơn trăm năm tuổi vẫn sừng sững cùng người dân trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, trở thành điểm tựa tinh thần cho những ai mang trong mình nỗi niềm riêng, là nơi tín thác những lời ước nguyện: Từ những lời cầu an lành, may mắn, cho đến bóng hình cô đơn đang tìm kiếm tình yêu đích thực hoặc những người cha, người mẹ khao khát ngày đêm chờ đợi tin vui con cái thân yêu.
Chùa Ngọc Hoàng, nơi không chỉ đón khách vào ngày Rằm hay mùng 1, mà ngày thường, bất kể sáng, trưa, chiều, tối đều chứng kiến dòng người không ngừng tìm đến. Chùa Ngọc Hoàng cũng vinh dự từng chào đón vị khách quý – Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama – một sự kiện đã góp phần nâng tầm sức hút và sự tò mò của công chúng đối với ngôi cổ tự đặc biệt này. Hãy khám phá xem điều gì đã làm nên sức hút kỳ diệu của chùa Ngọc Hoàng, một biểu tượng tâm linh không thể bỏ qua khi ghé thăm TP. HCM.
Quả thực, không phải chỉ một mà rất nhiều người du khách như chúng tôi chưa có sự chuẩn bị, nói cách khác là tìm hiểu về những bí ẩn trước khi đến thăm chùa. Đối với nhiều du khách, đến thăm chùa Ngọc Hoàng để vãn cảnh, để thăm thú kiến trúc đậm nét Trung Hoa cổ. Lần này ghé thăm chùa, chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu điều gì đã khiến chùa Ngọc Hoàng trở thành nơi cầu con, cầu duyên nổi tiếng đến vậy?
Chùa Ngọc Hoàng – Cổ tự đậm nét kiến trúc Trung Hoa
Ở TP. HCM, không khó để bạn bắt gặp những ngôi chùa có màu sắc rực rỡ với những đường nét chạm trổ tỉ mỉ. Chùa Ngọc Hoàng là một trong số đó. Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc tại số 73 Mai Thị Lựu, Quận 1, TP. HCM. Với người dân nơi đây, chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa cổ quen thuộc, còn với những người con xứ lạ lần đầu đặt chân đến như chúng tôi, quả thực có chút hồi hộp khi đến thăm.
Đường đến chùa Ngọc Hoàng chẳng chút khó khăn, tuy nhiên, bạn có thể cần lưu ý đến giờ mở cửa – đóng cửa của chùa. Từ 7 giờ sáng đến 18 giờ tối là khung giờ thoải mái để bạn có thể ghé thăm vãn cảnh và cầu nguyện, vào những ngày mùng 1 và Rằm thời gian có thể mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn. Đừng bỏ lỡ dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch – một sự kiện trọng đại với không khí hân hoan, rộn ràng và đầy phúc lành, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng sự huy hoàng của lễ hội và thắp nén tâm hương với lòng thành kính. Đến và cảm nhận hơi thở của nét văn hóa truyền thống, nơi sự hòa quyện giữa tâm linh và văn hóa tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt chỉ có tại chùa Ngọc Hoàng.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào cuối thể kỷ 19. Theo Giáo sư Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng giới thiệu với Cựu tổng thống Barack Obama, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1894. Được biết, ban đầu, một người tên là Lưu Minh (Trung Quốc) xây dựng ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Sau này, ngôi chùa được tiếp quản bởi hòa thượng Thích Vĩnh Khương vào năm 1982 và nơi đây cũng chính thức thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải Tự năm 1984, tuy nhiên do chùa vẫn thờ Ngọc Hoàng, nên người dân quen thuộc thường gọi là chùa Ngọc Hoàng.
Do vị trí nằm ngay gần sông Sài Gòn, chùa Ngọc Hoàng là điểm đến du lịch tâm linh thu hút người dân thành phố và khách du lịch khắp nơi đổ về vãn cảnh, cầu bình an, cầu duyên và cầu con. Ngôi chùa hiện tại vẫn mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa với ngói lợp âm dương. Các bờ nóc hay gác mái đều có tượng gốm sứ, tiếu tượng trang trí – đây chính là đặc trưng nổi bật của phong cách kiến trúc này ở các chùa có dấu ấn Trung Hoa.
Chùa Ngọc Hoàng nằm giữa khu dân cư đông đúc, ngay từ ngoài đường đã có thể nhìn thấy cảnh quan bên trong chùa. Chùa gồm 3 gian chính: Tiền điện thờ Thổ địa và thần Môn quan; Trung điện thờ Thanh Long đại tướng, Phật Dược Sư và Phục Hổ đại tướng. Chùa Ngọc Hoàng chủ yếu vẫn mang sắc thái tín ngưỡng thờ Đạo giáo, bởi vậy, ngay tòa Chính điện có thể thấy tượng thờ Ngọc Hoàng cùng các thiên binh, thiên tướng đứng hầu, bên trái là Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải thờ Phật Chuẩn Đề.
Gian bên trái thờ nhị vị Song Án, Thành hoàng Lỗ Ban, tượng Mã Tướng quân, Thái Tuế. Bên cạnh có gian thờ Thập Điện Diêm Vương cùng10 bức chạm gỗ tương ứng với 10 cửa ải địa ngục. Gian bên phải là khu vực nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà cùng bài vị của những người quá vãng. Phía trong điện thờ Phật có cầu thang gỗ dẫn lên điện Quan Âm. Hệ thống tượng thờ tại chùa Ngọc Hoàng khá phong phú, tổng cộng, tại chùa có khoảng 300 bức tượng thờ làm bằng gỗ và được chạm khắc rất tinh xảo. Người trẻ cũng thường đến đây để cầu tình duyên trước tượng thờ Thánh Mẫu và ông Tơ, bà Nguyệt. Ngoài ra, mọi người đến đây cũng thường cầu sức khỏe, bình an trước tượng Hoa Đà.
Chùa có hướng dẫn lối vào thăm rất kỹ càng và chu đáo. Cũng giống như một lời chào kính cẩn, chúng tôi có thắp nén tâm hương ngay từ ngoài cửa điện. Men theo lối vào, chúng tôi có thăm từng điện thờ. Kiến trúc lẫn bài trí trong chùa rất tinh xảo, các tượng cũng mang màu sắc sáng sủa, rực rỡ. Đến chùa, nếu không chuẩn bị lễ cầu nguyện, bạn có thể bỏ chút tiền công đức để dâng tiền đèn nhang. Khi đang chiêm bái ở Chính điện, chúng tôi còn được người xếp lễ cho lộc là hai quả xoài.
Bí ẩn đằng sau chuyện cầu con ở chùa Ngọc Hoàng
Trong lần phiên dịch cho Cựu Tổng thống Barack Obama, sau khi được hỏi: “Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?”, Giáo sư Dương Ngọc Dũng cũng chia sẻ đây là nơi nổi tiếng cầu con.
Trong điện thờ ở chùa Ngọc Hoàng có thờ Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ (Thập nhị tiên nương) coi sóc việc sinh con đẻ cái. Bà mụ chỉ chung cho 12 vị thánh mà trong đó Kim Hoa Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống thần bảo trợ việc sinh đẻ. Đây là tín ngưỡng mà người Hoa (gốc Quảng Đông) khi trở thành lưu dân vượt biển tìm đến mảnh đất TP.HCM sinh sống và lập nghiệp trân trọng mang theo. 12 bà mụ chính là Thập nhị tiên nương phụ giúp Kim Hoa Thánh Mẫu chú tạo và phù hộ cho thai nhi lẫn thai phụ được bình an, mạnh khỏe.
Trong quan niệm dân gian của người phương Đông, cũng theo thuyết luân hồi, khi con người đầu thai sang kiếp khác, trước khi thác thai vào bụng mẹ sẽ do các bà mụ này “nắn” ra hình hài rồi thụ thai. Từ lúc người mẹ mang thai đến lúc khai hoa nở nhụy, thậm chí đến lúc bé con nằm nôi, tập đi, tập đứng, tập ăn, tập nói đều có các bà mụ kề bên. Chính vì lẽ thế mà vào lúc đầy tháng hay đầy năm, trong mâm lễ nhiều gia đình có chuẩn bị 12 phần lễ là dành cho 12 bà mụ này. Giống như ở phương Tây có mẹ đỡ đầu thì ở phương Đông sẽ có 12 bà mụ.
Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, 12 bà mụ được cho là 12 vị nữ thần kề cận Ngọc Hoàng từ lúc sáng tạo ra con người. Con số 12 cũng nói lên việc công việc của mỗi bà mụ, có quan điểm cho rằng, mỗi bà sẽ chịu trách nhiệm “nặn” ra một bộ phận trên cơ thể hoặc dạy cho đứa trẻ một thứ gì đó. Ngoài Kim Hoa Thánh Mẫu thì 12 bà mụ gồm mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sinh đẻ, mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén, mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai, mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài đứa bé, mụ bà Lâm Nhất Nương chăm sóc bào thai, mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ, mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy, mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ, mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh, mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bế trẻ, mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ, mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc giám sát sinh đẻ.
Cũng có nơi quan niệm rằng 12 bà mụ có trách nhiệm bảo hộ việc sinh nở và con trẻ trong 12 tháng của năm tính theo Thập nhị chi (12 con giáp).
Cũng vì lẽ này, đứa trẻ sinh ra xinh đẹp, đáng yêu thường được người ta khen là “bà mụ khéo nặn”. Còn đứa bé nào có phần xấu xí hay dị tật, người ta lại cho là bà mụ ngủ quên trong lúc nặn bé. Hoặc khi bé tập đi, nếu bị ngã mà không sao hoặc xém bị ngã mà không ngã thì người ta hay nói trộm vía do bà mụ đỡ. Cũng theo quan niệm đó mà nhiều người cho rằng, bà mụ sẽ sát cánh bảo trợ cho đứa trẻ đến lúc 12 tuổi, trong thời gian đó, đứa trẻ có vấn đề gì sẽ được bà mụ gánh đỡ, còn sau 12 tuổi, bà mụ sẽ không đi theo nữa.
Với niềm tin như vậy, nên gian thờ Kim Hoa Thánh Mẫu trở thành điểm đến linh thiêng mà nhiều người hiếm muộn mong mỏi đến cầu con. Người mang thai thì đến tạ và cầu mong trong lúc sinh nở được “mẹ tròn con vuông”. Hơn nữa, nghi lễ cầu nguyện ở đây đơn giản, không phức tạp, được hướng dẫn cụ thể nên nhiều người dù ở xa cũng tìm đến dâng lời nguyện ước.
Khi ánh nắng cuối ngày dần tắt, chúng tôi may mắn có cuộc trò chuyện với em T., một “tín đồ” đã lựa chọn chùa Ngọc Hoàng làm nơi để cầu nguyện cho sự an lành của gia đình và thành công trong học tập: “Từ thuở ấu thơ, em đã cùng mẹ tìm về đây. Dù nhà em ở xa, nhưng em luôn cảm thấy có một sợi dây liên kết mật thiết với ngôi chùa này”, T. bộc bạch mẹ của T. đã đến đây cầu nguyện cho ba anh em khi họ chào đời, một truyền thống mà em yêu quý và duy trì.
Chùa Ngọc Hoàng, một ngôi chùa cổ kính với kiến trúc đặc sắc, đã được tôn vinh là Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cấp Quốc gia vào năm 1994. Điều này không chỉ góp phần khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa của chùa mà còn biến nơi đây thành một điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm TP.HCM. Chùa Ngọc Hoàng mở ra không gian thiêng liêng để mọi người, dù là người dân địa phương với nền tảng tâm linh sâu đậm hay khách du lịch từ nơi xa xôi, đều có thể gửi gắm niềm tin và hy vọng vào những ước nguyện sẽ trở thành hiện thực.
Theo Minh Dương (Phụ Nữ Mới)