Ngày ông Công ông Táo năm nay đúng vào thứ 6 ngày 2/2/2024 (dương lịch). Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị lễ vật và mâm cơm cúng để tiễn Táo quân về trời.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị cho mình những mâm cỗ cúng ông Công ông Táo khác nhau. Mâm cỗ này không nhất thiết phải quá sang trọng, cầu kì mà quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ.
Theo hoàn cảnh của gia đình và văn hóa mỗi địa phương, mỗi nhà có thể làm mâm lễ mặn, hoặc lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Ở miền Bắc, mọi người thường cúng ông Công ông Táo từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Người miền Bắc quan niệm, sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo đã lên chầu trời.
Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người Bắc sẽ có những món cơ bản sau:
1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
1 con gà trống luộc được tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay thế bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông
1 đĩa xôi gấc
1 đĩa chè kho
Cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép là phương tiện để ông Táo lên trời.
Nếu là cá chép sống, sau khi cúng xong người dân sẽ mang ra sông, suối phóng sinh.
Người miền Nam thường cúng ông Táo vào buổi đêm, khoảng thời gian từ 20h đến 23h ngày 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm đã không còn nấu nướng để tránh làm phiền các Táo.
Mâm cúng ông Táo của miền Nam gồm có các món chủ đạo như: nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc… kèm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen. Ở miền Nam, người dân không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ.
Người miền Trung cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp và rất coi trọng ngày lễ này.
Mâm cúng ông Táo của người miền Trung không có áo mũ, vàng mã cho các Táo như miền Bắc, nhưng người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã ngoài ra còn dâng cúng nhiều lễ vật khác. Ngoài các món cơ bản, trong mâm cơm cũng phải có cá ngừ hay cá thu.
Theo Tú Linh (VietNamNet)