Dù trong giai đoạn bầu bí thai đôi khá nặng nề, Phương Oanh vẫn vào bếp chiều chồng bằng những món ăn ngon.
Canh măng mực Bát Tràng là món ăn cổ truyền trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội. Món ăn không chỉ có cách chế biến cầu kỳ mà hương vị cũng cực kỳ hấp dẫn. Để nấu được bát canh măng mực ngon, vừa cần có nguyên liệu ngon mà cần hơn nữa là sự tỉ mỉ và chu đáo của người nấu. Muốn canh măng mực ngon thì không thể vội. Nhiều người quan niệm, ăn mực cuối năm để “xả xui” nên dù mất nhiều thời gian nhưng vẫn cố làm một bánh canh măng mực trong mâm cỗ chiều cuối năm để dâng cúng Gia tiên, sau đó cả nhà quây quần cùng nhau thưởng thức.
Song hành cùng canh măng mực chính là món su hào xào mực dậy mùi tiêu Bắc như một cặp đôi không thể thiếu trong mâm cỗ. Dường như niềm tin ăn mực trong “ngày cùng tháng tận” của năm có thể giúp người ta nuốt hết những khó khăn lẫn xui xẻo, dọn sạch con đường phía trước để đón một năm mới hanh thông, thuận lợi.
Trong kênh Tiktok của mình, nữ diễn viên Phương Oanh cũng háo hức chia sẻ món ăn độc đáo này. Mặc dù đang mang thai nặng nề nhưng sự thơm ngon của cặp đôi món ăn này khiến nữ diễn viên không ngại “lăn xả” nhiều giờ đồng hồ để chế biến món ngon chiêu đãi ông xã. Đầu tiên, măng sợi mang luộc qua với 2 – 3 lần nước rồi để ráo. Làm sạch mực với rượu gừng và bia. Su hào, cà rốt thái sợi. Nước dùng sẽ sử dụng nước luộc gà và tôm he sẽ “bao ngon, bao ngọt”.
Để su hào, cà rốt luôn giữ được độ giòn ngon là sau khi thái sợi, mang chần qua với nước sôi và xả sạch với nước lạnh. Vắt kiệt nước.
Mực sau khi làm sạch thì lau khô và nướng cho thơm. Gói giấy báo và dùng chày đập mực cho thật bông lên, khi đó xé sợi sẽ dễ và ngon hơn. Đây có lẽ là công đoạn mất thời gian nhất. Vì khi xé sợi mực khô, xé càng mảnh thì ăn càng ngon càng ngọt.
Sau đó, xào sơ sợi mực xé với chút dầu ăn, 2 thìa cà phê đường, 1 thìa nước mắm. Cho đến khi sợi mực khô và tơi hơn. Xào măng cho săn cùng chút gia vị vừa ăn, sau đó cho mực vào xào đều tay. Chừng 1-2 phút thì cho măng mực vào nồi nước dùng, đun sôi là hoàn thành.
Món su hào xào mực cũng thực hiện tương tự. Cho su hào, cà rốt vào xào cùng chút dầu ăn, nêm chút muối, đổ mực vào, đảo đều. Nêm nếm lại cho vừa miệng, rắc chút tiêu cho thơm.
Ngoài ra Phương Oanh còn nấu món canh khổ qua. Khổ qua (hay còn gọi mướp đắng) là món ăn cuối năm quen thuộc ở Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng ăn, có thể chế biến thành nhiều món như nấu canh, nhồi thịt, kho, trộn gỏi hay xào đều ngon. Phương Oanh làm phiên bản khá phổ biến là canh khổ qua cá thác lác. Cô nói: “Ăn canh khổ qua thì mọi muộn phiền năm cũ trôi qua hết. Năm qua, Oanh không có muộn phiền gì cả nhưng vì chồng thích ăn nên làm và chia sẻ công thức với mọi người”.
Với món ăn này, nữ diễn viên mua cá thác lác xay sẵn, trộn thêm thịt băm, hành hoa, rau mùi thái nhỏ và một thìa hạt nêm, rồi trộn đều. Khổ qua chọn những trái có thân to, dày để có thể nhồi vừa phần chả cá xay vào trong. Sau khi mua về, rửa sạch trái, cắt khúc khoảng 4-5 cm và khoét phần thân ở giữa. Khi chả cá đã ngấm gia vị, Phương Oanh nhồi vào bên trong khổ qua, miết phẳng hai đầu. Phần nước canh, cô sử dụng hạt nêm cho tiện, rồi cho khổ qua vào đun, thêm cà rốt, rau củ vị ngọt tùy thích. Bạn cũng có thể ninh xương, lấy nước hầm để lấy vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra, vị ngọt từ chả cá cũng rất thanh đậm đà, không cần bỏ thêm nước xương cũng được. Cuối cùng, múc ra bát, cho thêm hành mùi lên trên cùng là hoàn thành. Khổ qua có vị đắng nhẹ, quyện với chả cá thác lác dai ngọt, nước canh nóng hổi, ngọt thanh. Khổ qua còn có tác dụng, thanh nhiệt, thải độc.
Theo Phương Nghi (Giadinh.suckhoedoisong.vn)