Thưởng thức một bữa ăn tốn đến bốn tiếng đồng hồ hay luôn dùng phô mai trước đồ tráng miệng là hai trong số các thói quen ăn uống của người Pháp hẳn sẽ khiến nhiều người tò mò.
Bắt đầu bữa tối lúc 8 – 9 giờ tối
Tương tự người Việt, người Pháp cho rằng bữa tối là thời gian thích hợp để cả gia đình quây quần, vừa thưởng thức đồ ăn vừa chuyện trò. Tuy nhiên, trong khi 8 giờ tối thường là lúc người Việt kết thúc bữa tối thì đó lại là thời điểm bắt đầu bữa ăn cuối cùng trong ngày của người Pháp. Không rõ thói quen này chính xác bắt nguồn từ đâu, nhưng chắc hẳn có sự ảnh hưởng của yếu tố công việc và địa lý.
Giờ làm việc thông thường tại Pháp bắt đầu lúc 9 hoặc 10 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ chiều. Nếu tính cả thời gian di chuyển từ văn phòng về nhà, thời gian nghỉ ngơi trước khi chuẩn bị bữa tối, hẳn bạn sẽ không lấy làm khó hiểu vì sao người Pháp lại ăn tối lúc 8 hay 9 giờ tối.
Ngoài ra, vào mùa hè, các thành phố của Pháp đều có ngày dài trung bình hơn 15 tiếng đồng hồ và mặt trời lặn lúc 10 giờ tối. Điều đó có nghĩa là vào 8 giờ tối, trời vẫn sáng trưng và nắng vẫn tưng bừng. Ở những thành phố giáp biển thì đó là lúc tuyệt vời để đi dạo trên các con đường mòn quanh biển, đắm mình trong làn nước trong xanh hay chỉ đơn giản là ngồi thư giãn trên bờ cát. Nhiều gia đình còn chuẩn bị cả đồ ăn tối để cùng nhau thưởng thức ngay ở bãi biển.
Người Pháp thường chỉ ăn nhẹ vào bữa tối với bánh mì và salad, tráng miệng sữa chua hay bánh ngọt nên việc mang bữa tối ra biển hoàn toàn không thành vấn đề.
Bữa ăn kéo dài 3 – 4 tiếng đồng hồ
Vào các ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, các bữa ăn của người Pháp có thể kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Theo thông lệ, trước khi bắt đầu bữa ăn, mọi người sẽ cùng thưởng thức apéritif. Đây thực chất là một loại đồ uống có cồn được phục vụ trước bữa ăn với mục đích khiến khách đói hơn.
Đồ uống có nồng độ cồn khác nhau, từ nhẹ đến mạnh, như soda, cocktail, cider (rượu táo), rượu vang, rượu Ricard, whisky, sâm banh, bia, vv. được uống kèm với các loại đồ ăn nhẹ như quả ô liu, gâteaux apéritif (bánh quy giòn, vị mặn), croustilles hay doritos (khoai tây nướng hay chiên giòn giống bim bim của Việt Nam) ăn cùng các loại xốt khác nhau.
Các loại saucisson (tương tự lạp xưởng) là một trong những đồ ăn không thể thiếu khi thưởng thức apéritif. Sau apéritif sẽ là entrée hay còn gọi là món khai vị, có thể là foie gras (gan ngỗng) ăn kèm pain d’épices (bánh mật ong) hay saumon fumé (cá hồi hun khói), vv. Tiếp đến là plat hay plat principal – món chính của bữa ăn. Ngay sau đó là phô mai rồi mới đến món tráng miệng và cuối cùng là một tách trà hay cà phê nóng.
Thoạt nhìn cứ tưởng một bữa ăn thật “đầy bụng” nhưng thực ra mỗi khẩu phần đều rất vừa phải, cộng với việc các món được phục vụ theo trình tự chứ không phải bày biện cùng một lúc nên người ăn vừa có thời gian nhâm nhi vừa có thể hàn huyên, tâm sự.
Ăn phô mai trước khi thưởng thức đồ tráng miệng
Sở hữu hơn 400 loại phô mai khác nhau, Pháp nổi tiếng toàn thế giới với kỹ thuật sản xuất phô mai đa dạng cả về hương vị cũng như kết cấu.
Theo số liệu của trang Statista tháng 12/2023, mức tiêu thụ phô mai bình quân đầu người hằng năm của Pháp trong giai đoạn 2007 – 2021 là từ 25,6 đến 27,6 kg/người/năm, tương đương khoảng hơn 2kg/người/1 tháng. Qua đó có thể thấy, người Pháp yêu thích phô mai như thế nào và điểm thú vị là họ thường ăn phô mai sau bữa chính và trước khi ăn đồ tráng miệng.
Có thể bởi phô mai đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Pháp nên việc phục vụ phô mai sau món chính giúp thực khách đánh giá đầy đủ hương vị và kết cấu của các loại phô mai khác nhau mà không bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm khác.
Thêm vào đó, phô mai còn làm giảm vị chua ở một số loại rượu vang, giúp bạn uống hết rượu đi kèm với món chính, trước khi chuyển tiếp từ phần mặn sang phần ngọt của bữa ăn. Không chỉ vậy, người Pháp còn coi phô mai như một chất giúp tăng cường tiêu hóa.
Phần lớn các loại phô mai của Pháp đều được làm từ sữa bò tươi, chứa nhiều men vi sinh, có lợi cho đường ruột. Ngoài ra, tính kiềm trong phô mai giúp trung hòa a-xít tích tụ trong miệng và bảo vệ men răng.
Bánh ngọt là “chân ái” trong thực đơn món tráng miệng
Đối với người Pháp, trái cây và phô mai dường như là chưa đủ nên với mong muốn được thưởng thức thứ gì đó ngọt ngào sau bữa ăn, họ đã sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật mới: Bánh ngọt. Nhiều nhà ẩm thực học coi đầu bếp bánh ngọt người Pháp Antonin Carême (1784–1833) là bậc thầy vĩ đại đầu tiên về làm bánh ngọt trong thời hiện đại.
Các loại bánh ngọt dùng làm món tráng miệng của Pháp thường được chế biến bằng kem, trái cây và sữa trứng. Phần lớn trong số đó có kết cấu bánh giòn, dễ bong vì chứa nhiều bơ; hình thức trình bày đơn giản nhưng lại mang tính nghệ thuật cao. Để làm được những chiếc bánh như vậy đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến tính tỉ mỉ, sự tận tâm và kiên trì.
Đối với các thực khách hảo ngọt, được thưởng thức các món tráng miệng hấp dẫn tại Pháp, nhất là các món trong danh sách dưới đây, chắc chắn là một trải nghiệm không thể nào quên.
Macaron có nguồn gốc từ Ý, được làm từ hai miếng bánh trứng đường hạnh nhân kẹp với kem bơ, ganache, sôcôla hoặc mứt. Catherine de Médicis, nữ quý tộc người Ý và sau này là Vương hậu Pháp, được cho là người đã mang Macaron vào Pháp từ thế kỷ XVI
Uống nước máy trong nhà hàng
Giống như phần lớn các quốc gia châu Âu và một số nước châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, người dân Pháp có thể uống nước máy trực tiếp từ vòi tại nhà và các khu vực công cộng như bảo tàng, bệnh viện, vv. Chính phủ Pháp có một hệ thống kiểm tra và giám sát nước máy nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo nước uống an toàn. Bộ Y tế Pháp chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn về chất lượng nước và Cơ quan Y tế Khu vực (ARS) chịu trách nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn này. Trên thực tế, nước máy ở Pháp được cho là có chất lượng cao hơn nước đóng chai.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng ban hành quy định về việc người tiêu dùng có thể uống nước máy trong nhà hàng như nước Pháp. Theo Nghị định số 25268 ban hành ngày 08/06/1967 của Chính phủ Pháp, về việc niêm yết giá ở các cơ sở phục vụ ăn uống tại chỗ, giá của nước máy đã bao gồm trong giá của đồ ăn, thức uống được phục vụ tại nhà hàng. Các nhà hàng bắt buộc phải phục vụ khách nước máy miễn phí nếu được yêu cầu, kể cả trong trường hợp khách không sử dụng bất kỳ dịch vụ ăn uống nào của nhà hàng. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2022, khách sẽ phải gọi kèm ít nhất một đồ uống nếu muốn được cung cấp nước máy miễn phí.
Khi dùng bữa ở nhà hàng tại Pháp, nếu muốn uống thêm nước lọc mà không phải trả thêm tiền, bạn có thể nói với nhân viên phục vụ “une carafe d’eau”. Tùy theo số người có mặt tại bàn ăn, họ sẽ mang ra một cốc hay một bình nước máy, thường là nước lạnh. Trong trường hợp bạn muốn uống nước đóng chai (nước khoáng hay nước có ga) mất phí, hãy nói “une bouteille of d’eau”.
Nước Pháp không chỉ làm say đắm bao du khách vì các danh lam thắng cảnh nức tiếng thế giới, nền ẩm thực tinh tế, giàu truyền thống mà còn bởi những thói quen ăn uống thú vị của con người nơi đây. “Bỏ túi” các thông tin này có thể sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm “rất Pháp” trong hành trình du lịch của mình.
Theo Đinh Tuấn (Vietnamnet)