Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ bánh Trung thu, bánh kẹo tăng cao.
Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra khi sử dụng bánh Trung thu , bánh kẹo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần có biện pháp phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm khi sử dụng bánh.
Biện pháp phòng ngừa
Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm (quy định điều kiện cơ sở vật chất; trang thiết bị dụng cụ; yêu cầu về kiến thức; thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất; nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; đăng ký tự công bố sản phẩm; sử dụng phẩm màu; hương liệu; phụ gia; bao bì thực phẩm; ghi nhãn sản phẩm; bảo đảm và duy trì chế độ vệ sinh khu vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm; nơi kinh doanh sản phẩm phải cách xa nguồn ô nhiễm, kê cao và bảo quản kín sản phẩm trong suốt quá trình kinh doanh…).
Người tiêu dùng nên mua bánh có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Không nên mua các loại bánh có bao bì đã bị rách hay có những vết đốm, vết lạ như: đốm trắng, xanh, vàng, vì đây là những dấu hiệu cho biết bánh bị mốc, hỏng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xử lý khi nghi ngờ ngộ độc
Sau khi ăn bánh có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc co giật, nổi mề đay… người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời; không tiếp tục sử dụng sản phẩm này và báo ngay cơ quan chức năng để giải quyết.