Từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 3, anh Thanh lần lượt chinh phục thành công 3 đỉnh núi cao là Tà Chì Nhù, Lùng Cúng và Tà Xùa, leo lên xuống trong ngày với quãng đường trekking khoảng 20km/hai chiều mỗi đỉnh.
Anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1992, nhân viên văn phòng, quê ở Hải Phòng) từng có chuyến leo núi hồi cuối năm 2023, lần đầu chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (Lào Cai) rồi di chuyển đến Sơn La để leo đỉnh Sa Mu ở độ cao 2756m.
Kết thúc chuyến đi, anh Thành thấy rất vui vì được được trải nghiệm các cung bậc cảm xúc khác nhau khi leo núi.
“Dịp đó mình đặt tour chinh phục 2 đỉnh núi của công ty du lịch và đi cùng đoàn. Chuyến đi rất vui nhưng có một vấn đề là tốn quá nhiều thời gian cho việc di chuyển. Trung bình một tour kéo dài 2 ngày 1 đêm (thường là thứ 7 và chủ nhật) nhưng sẽ phải di chuyển từ tối thứ 6. Quãng đường di chuyển từ Hải Phòng đến các tỉnh Tây Bắc khoảng 900km cho hai chiều mà chỉ leo được một đỉnh nên mình nảy ra ý tưởng sẽ leo một loạt các đỉnh ở gần nhau trong một chuyến đi”, anh Thành cho biết.
Đầu tháng 3 năm nay, anh quyết định hiện thực hóa ý tưởng leo núi trong ngày, chinh phục 3 đỉnh núi cao liên tiếp.
Sáng ngày 4/3/2024, sau một đêm nghỉ tại Mù Cang Chải, anh Thành xuất phát đi bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), bắt đầu leo đỉnh Tà Chì Nhù (thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Đỉnh Tà Chì Nhù nằm ở độ cao 2.979m, là ngọn núi cao thứ 7 ở Việt Nam và được mệnh danh là “nóc nhà Yên Bái”. Cảnh quan trên đỉnh Tà Chì Nhù rất đẹp, có hệ sinh thái rừng đa dạng nên nhiều tín đồ ưa xê dịch thường tới đây trekking.
Để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ngoài di chuyển theo hướng từ huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), du khách còn có một hướng tiếp cận khác là đi qua bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La).
Anh Thành bắt đầu leo đỉnh Tà Chì Nhù lúc 9h30 và xuống núi lúc 17h. Sau một đêm nghỉ ngơi dưỡng sức, sáng ngày 5/3, anh tiếp tục di chuyển đến thị trấn Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), ghé bản Tu San để thực hiện cung leo chinh phục đỉnh Lùng Cúng.
Ngày cuối cùng, anh hoàn thành chuyến đi bằng cung trekking tới đỉnh Tà Xùa (thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, tiếp giáp với tỉnh Yên Bái).
Đỉnh Tà Xùa nằm ở độ cao 2.865m so với mực nước biển, cũng là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Từ khi con đường nối hai huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên được khai thông, cung phượt Tà Xùa ngày càng thu hút nhiều phượt thủ tới chinh phục.
Tháng 3 là thời điểm thích hợp để leo Tà Xùa vì thời tiết thuận lợi, một ngày có thể trải qua nhiều hình thái thời tiết như sương mù, mưa, nắng, gió, biển mây. Đây cũng là thời điểm hoa đỗ quyên, táo mèo bắt đầu bung nở.
Để có nhiều trải nghiệm, du khách thường chọn cung trekking từ hướng Trạm Tấu thay vì di chuyển theo hướng từ Sơn La, nơi ô tô có thể lên được tận nơi. Hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa cả hai chiều là khoảng 25km.
Trên cung leo chinh phục đỉnh núi này, du khách có thể gặp những “sống lưng khủng long” nối tiếp nhau, có đoạn kéo dài 1,2 km.
“Đây cũng là đỉnh khó chinh phục nhất trong chuyến đi, một phần do quãng đường dài hơn, một phần là do dốc lưng khủng long hiểm trở.
Bình thường khi leo xuống thì mình có thể chạy được trong rừng nhưng ở sống lưng khủng long thì việc leo lên hay leo xuống đều khó như nhau, nhiều đoạn phải bám vào dây cáp để đu người lên”, anh Thành kể.
Vị du khách ở Hải Phòng cho hay, việc leo 3 đỉnh núi cao liên tiếp trong 3 ngày đòi hỏi thể lực phải đảm bảo, kết hợp trang bị đầy đủ đồ đạc hỗ trợ như gậy chống và ba lô trợ lực, giày chống nước,…
“Ngoài duy trì tập gym và đạp xe đều đặn, trước chuyến đi này khoảng một tháng, mình còn kết hợp tập các bài tập về chân. Ví dụ trong lúc làm việc thì mình tranh thủ tập squat ngay tại chỗ làm việc, cứ tập đến khi nào mỏi chân lại nghỉ rồi làm việc tiếp. Sáng và tối thì tập thêm các bài leo cầu thang ở chung cư”, anh Thành nói.
Về đồ đạc, theo anh cần lựa chọn một đôi giày chuyên dụng loại tốt, hơi rộng để tránh bị dồn chân, gây đau ngón chân khi xuống núi. Giày cũng phải chống thấm nước để thuận tiện di chuyển khi đi qua các địa hình rừng ẩm ướt hoặc có suối. Bên cạnh đó, nam nhân viên văn phòng còn chuẩn bị cả gậy chống và ba lô trợ lực, kèm ít thuốc đau bụng, đau đầu với một ít kẹo ngọt để ăn trong lúc bị tụt huyết áp.
Anh cũng thừa nhận, việc leo núi liên tục có vất vả nhưng bù lại tinh thần được giải tỏa và có thể chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp ở từng nơi. Không chỉ được trải nghiệm cảnh đẹp trong rừng khi leo núi mà lúc di chuyển giữa các điểm leo vào sáng sớm hay chiều muộn, anh còn có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp ở vùng cao.
“3 ngày 3 đỉnh, lên xuống trong ngày, mình đã chạm đến giới hạn của bản thân. Đây cũng là lần đầu tiên leo núi mà mình được ngắm trọn vẹn khung cảnh xung quanh vì không có gợn mây hay tí sương mù nào.
Buổi tối khi nghỉ ở homestay, mình còn được thưởng thức các đặc sản của núi rừng và nghe chủ homestay thổi sáo rất nghệ. Thực sự là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời”, chàng trai 32 tuổi bày tỏ.
Theo Phan Đậu – Thành Nguyễn (Vietnamnet)