Không khí Tết len dần khắp các nẻo phố đông đúc tới vùng thôn quê. Các lễ hội xuân, hội chợ Tết không chỉ là điểm vui chơi, giải trí cho người Việt mà còn là những điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế.
Không khí Tết xưa, Tết nay
Các lễ hội Tết trên khắp mọi miền có xu hướng tìm về những giá trị truyền thống, khôi phục hương vị Tết cổ truyền. Phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ 20/1 đến 18/2.
Khu trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh Tết, câu đối, đốt pháo, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc Tết, mừng tuổi, thú chơi hoa Tết… Không gian mang hơi hướm cổ kính, mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất kinh kỳ xưa. Không gian trưng bày Tết cung đình phỏng dựng nghi thức dâng biểu chúc mừng nhà vua năm mới hưởng phúc lành.
Lần đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long, một nghi lễ Tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D Lễ Chính đán (mùng 1 Tết) thời Lê. Chương trình Happy Tết 2024 tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra từ 24/1, lấy chủ đề Lan toả bản sắc văn hóa Tết truyền thống là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết cung đình xưa với văn hóa Tết nay. Không gian rộng hơn 3.000 m2 được thiết kế, trang trí hoành tráng, chia thành các khu vực: Chuyến tàu quê hương, không gian nhà Hà Nội xưa, không gian Tết miền Trung, không gian Tết miền Nam, không gian Tết sắc màu dân tộc,… Xen lẫn các khu vực là tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ… Điểm nhấn là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Thu Hoài (20 tuổi, Hà Nội) hào hứng tham gia chuỗi hoạt động đón Tết ở Hoàng thành Thăng Long: “Đây là dịp để người trẻ tìm hiểu sâu về nét đẹp trong phong tục tập quán của cha ông. Mỗi chi tiết về Tết cổ truyền được phục dựng công phu, tỉ mỉ. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm không khí Tết ở cung đình, đây là hoạt động độc đáo, hiếm nơi nào có”. Áo dài, cổ phục, nón lá được nhiều du khách diện khi tham gia chuỗi hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long.
Lễ hội hoa Xuân 2024 lấy chủ đề Chợ vui hơn Tết, Phố đông hơn Hội, diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 25/1 đến ngày 8/2. Lễ hội tổ chức tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội). Không gian rộng của hội chợ phục vụ người dân tham gia trải nghiệm các trò chơi truyền thống như ném cầu, kéo co, nhảy dây, cướp cờ, võ cổ truyền… hay tự mình tạo nên không khí Tết nhờ các sản phẩm lì xì, quạt giấy, làm bánh cổ truyền, thư pháp… Các hoạt động đón Tết truyền thống, hiện đại đan xen, phù hợp với các gia đình trẻ, cho du khách nhiều lựa chọn trải nghiệm.
Tết làng Việt chào Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra 20-21/1 tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là mùa Tết làng Việt thứ ba, sau mỗi năm tổ chức được hoàn thiện hơn để góp thêm điểm trải nghiệm du lịch văn hóa thú vị. Không gian đón Tết Việt ở Đường Lâm sau đó sẽ được duy trì để đón khách trong suốt dịp Tết Nguyên đán.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn khẳng định, sự kiện nhằm quảng bá những giá trị văn hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch làng cổ Đường Lâm. “Chúng tôi tái hiện nét văn hóa truyền thống và không gian Tết Việt của làng cổ Đường Lâm nói riêng và cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, qua đó vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới bạn bè quốc tế, đồng thời để giữ gìn truyền thống cho các thế hệ mai sau”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.
Nhiều hoạt động phong phú như tua trải nghiệm chợ Tết truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại sân đình Mông Phụ, tham quan gian hàng giới thiệu về đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề như tranh Đông Hồ, tò he Xuân La, nón làng Chuông, trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu…
Du khách được nghe giới thiệu về các phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam như lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép, ẩm thực Tết, trưng bày mâm cỗ ngày Tết của người dân Đường Lâm (bánh chưng, gà Mía, thịt quay đòn…). Khách được nghệ nhân hướng dẫn tỉ mỉ gói bánh chưng, gói giò… trước khi nếm thử món ăn trong mâm cỗ Tết đặc trưng của Bắc Bộ.
Không gian làng cổ Đường Lâm dịp này ngập tràn trong sắc Tết. Nhiều khách quốc tế cũng diện áo dài Việt. Đoàn khách quốc tế từ các đại sứ quán, du học sinh quốc tế lần lượt trải nghiệm ở các góc dành cho thư pháp, gói bánh chưng, làm tranh Đông Hồ hay chơi trò bịt mắt đập niêu. Dịp này, các điểm tham quan, các chủ homestay ở Đường Lâm cũng bày biện phòng khách đón Tết, trải chiếu gói bánh chưng và làm cỗ đãi khách.
Mikhail Osin – 19 tuổi đến từ Nga, là sinh viên năm thứ 2 khoa Tiếng Việt, trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) – trước khi đến Đường Lâm tìm hiểu khá kỹ về văn hóa và truyền thống Tết Việt. Anh thấy thú vị với khu vực trưng bày mâm cỗ truyền thống, tò mò với các góc ông đồ cho chữ đầu Xuân. “Tôi hiểu thêm về các giá trị văn hóa sâu sắc của Việt Nam”, Mikhail nói. Nam diễn viên người Mỹ Charlie Win có 13 năm gắn bó với Việt Nam, nhưng lần đầu tiên dự Tết Việt ở Đường Lâm. Anh đặc biệt yêu thích các góc làng nghề như tranh Đông Hồ, được nghệ nhân giải thích và hướng dẫn làm tranh khắc gỗ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Công văn nhấn mạnh, các địa phương chủ động tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, tạo nhiều sân chơi bổ ích tại các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Tết làng Việt thu hút khoảng 1,5 vạn du khách trong và ngoài nước trong ngày đầu mở hội. Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, sức hút của sự kiện tạo tiền đề để đón khách về Đường Lâm dịp Tết Giáp Thìn. Thời gian qua, các không gian sáng tạo được tạo lập ngay khu vực cổng làng Mông Phụ tạo nên luồng gió mới cho làng cổ Đường Lâm. Khách có thêm nơi dừng chân tìm hiểu văn hóa, đời sống và con người xứ Đoài.
“Đường Lâm là thủ phủ của xứ Đoài, hội tụ các nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài. Vì thế không riêng dịp Tết, trong năm chúng tôi đẩy mạnh thương hiệu, hoạt động ở làng cổ Đường Lâm. Sơn Tây đẩy mạnh du lịch cộng đồng, phát huy hơn nữa vai trò của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng, mở rộng cơ sở lưu trú tại nhà cổ. Người dân cũng khôi phục lại các nét sinh hoạt truyền thống như làm kẹo lạc, làm tương, chè lam, trải nghiệm cấy lúa, biểu diễn âm nhạc ở đình Mông Phụ, trò chơi dân gian vào dịp cuối tuần…”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ – Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN vào ngày 26/1 tại Lào. Đây chính là minh chứng sinh động nhất cho sản phẩm du lịch văn hóa được làm thiết kế lại, vừa quảng bá văn hóa vừa là nơi cho khách quốc tế thêm trải nghiệm.
Theo Ngọc Ánh – Nguyên Khánh (Tiền Phong)