Trong tiết trời mờ sương lạnh se sắt của vùng núi Quản Bạ, thưởng thức một bát phở Tráng Kìm nóng hổi, cảm nhận vị dai của bánh phở tráng tay, vị ngọt của thịt và nước dùng là cảm giác dễ gây “thương nhớ”cho bất cứ du khách nào.
Tráng Kìm là một địa danh nằm trên đường từ Quản Bạ vào Đồng Văn, thuộc xã Đông Hà, huyện Quản Bạ. Bản làng bình yên này vốn nổi tiếng với món phở gia truyền – phở Tráng Kìm.
Phở Tráng Kìm không sử dụng bánh phở như thông thường, mà được chế biến rất khác lạ. Đây cũng là điểm làm nên sự hấp dẫn, gây tò mò cho du khách của món ăn này.
Sợi phở Tráng Kìm được làm thủ công ở mọi công đoạn. Đầu tiên, bột làm bánh phở hoàn toàn được xay từ gạo trồng trên nương, không gia giảm phụ gia nên mềm thơm tự nhiên chứ không cứng. Tráng bánh phở cũng khá giống như tráng bánh cuốn. Từng muôi bột được rải đều trên tấm vải căng ngang nồi nước, đậy vung cho kín, đợi một chút rồi dùng một dụng cụ tròn dài khéo léo cuộn bánh phở và gỡ ra, sau đó được thái nhỏ bằng tay.
Bánh phở sau khi thái, du khách có thể thử thưởng thức bằng cách chấm với nước tương để cảm nhận rõ hương vị. Bánh mềm nhưng không bở mà vẫn có độ dai dai kết dính, thoang thoảng mùi bột gạo, ăn khá giống vị bánh đúc.
Thịt trong phở Tráng Kìm sẽ là thịt gà được nuôi thả tự nhiên. Gà được người dân bản nuôi, quanh năm ăn ngô, chạy đồi, mình nhỏ nhưng thịt chắc nịch Từng miếng thịt gà luộc chín tới, ngọt, giòn được chủ quản lọc nhanh thoăn thoắt để phục vụ du khách.
Bát phở Tráng Kìm ngon còn đến bởi nước dùng được ninh từ xương ống lợn cùng với xương gà, thêm vào đó là gừng, nghệ, thảo quả, quế, hồi, tạo hương thơm rất đặc biệt.
Khách đến thưởng thức, quán sẽ xếp bánh phở vào từng bát tô lớn, sau đó cho thêm thịt già, rắc thêm ít hành hoa thái nhỏ, cuối cùng là chan nước dùng nóng hổi.
Khách có thể cho thêm ớt tương, măng chua ngâm để tăng thêm hương vị cho món ăn. Bát phở bốc hơi nghi ngút trong cái lạnh vùng cao, nhìn đơn giản, mộc mạc dung dị nhưng lại mang hương vị thơm ngon, mới lạ, gây ấn tượng đặc biệt cho bất cứ ai từng thưởng thức.
Tại Quản Bạ, hiện nay chỉ còn một vài gia đình là vẫn lưu giữ món ăn truyền thống này nên thường khá đông khách. Vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, lượng phở bán ra từ 200- 300 bát mỗi buổi sáng. Do bánh phở được tráng thủ công trực tiếp nên không thể làm sẵn trước nên du khách sẽ phải chờ đợi khá lâu.
“Bình thường khi làm bánh phở sẽ phải có một công đoạn nữa là khi gỡ bánh phở ra sẽ treo lên sào để khô một cách tự nhiên, rồi sau đó mới gỡ xuống và thái nhỏ. Vậy nên công đoạn này còn được gọi vui là phở đi “hong gió”. Tuy nhiên khi đông khách, mình cũng không kịp phơi lên nữa mà phải phục vụ luôn.”, chủ quán phở chia sẻ.
Hiện nay, do sự nổi tiếng và được yêu thích mà Phở Tráng Kìm đã xuất hiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên có lẽ, để có thể cảm nhận nguyên vẹn và rõ nét nhất hương vị cũng như những nét văn hoá bản địa sơ nguyên, thì phải thưởng thức phở Tráng Kìm giữa không gian sương sớm lảng bảng của đất trời Quản Bạ.
Theo Thùy Chi (Vietnamnet)